Trong khi Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần 50 năm (1975-2025), các gia đình Việt vẫn tiếp tục khắc khoải tìm kiếm hài cốt thân nhân nằm xuống trong cuộc chiến. Nỗ lực tìm kiếm này không chỉ giúp khép lại quá khứ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến trình hòa giải, khắc phục hậu quả chiến tranh, và đưa câu chuyện quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trở thành một điển hình về tính thực tiễn và khả năng xây dựng hòa bình thời hậu chiến. Tuy nhiên, năm tháng đi qua và tạo thêm nhiều thách thức, việc tìm kiếm hài cốt ngày càng trở nên khó khăn.
Một cấu phần trọng yếu của quá trình hòa giải Mỹ-Việt sau chiến tranh là hợp tác song phương để tìm kiếm người Mỹ mất tích từ giữa những năm 1980. Kể từ năm 2021, Hoa Kỳ bắt đầu giúp Chính phủ Việt Nam tìm kiếm hài cốt quân nhân Việt Nam và giúp đẩy nhanh quá trình này.
‘Thời gian không là bạn của chúng ta’
Tổn thất trong chiến tranh Việt Nam thực sự rất to lớn. Theo nguồn tin của Chính phủ Việt Nam, hài cốt của 180.000 quân nhân [Quân đội Nhân dân Việt Nam (Bắc Việt) và Lực lượng Vũ trang Giải phóng Nhân dân (Việt Cộng)] vẫn chưa được tìm thấy. Hơn 300.000 hài cốt chưa xác định danh tính được chôn cất trong các nghĩa trang trên cả nước. Ngoài ra cũng còn một số lượng hài cốt dân thường và quân nhân Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt) cũng chưa được tìm thấy.
Công cuộc tìm kiếm của các gia đình Việt đang trở nên gian nan do dữ liệu nghèo nàn, tốc độ phân hủy của hài cốt trong hệ sinh thái nhiệt đới, và nhân chứng chiến tranh ngày một giảm. Trong sự kiện Đối thoại Di sản Chiến tranh và Hòa bình do Viện Hòa bình tổ chức hồi tháng 10, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh rằng: Đối với hòa giải giữa người Việt Nam và người Mỹ, thời gian là bạn của chúng ta. Nhưng trong nỗ lực tìm kiếm người mất tích, thời gian không là bạn của chúng ta.”
Hợp tác song phương Hoa Kỳ-Việt Nam tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) đã xác định danh tính và hồi hương hơn 1.000 người Mỹ. Theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ và các cựu chiến binh Mỹ đã chuyển giao thông tin về hài cốt người Việt Nam, cũng như những khu mộ tập thể. Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam đã phối hợp với Hội Việt Mỹ và cung cấp hồ sơ liên quan đến 12.000 liệt sĩ Việt Nam và giúp tìm kiếm, khai quật hài cốt khoảng 1.300 người.
Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã khởi động Sáng kiến Tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI) nhằm hỗ trợ tìm kiếm và xác định danh tính người Việt Nam hy sinh và mất tích trong chiến tranh. Sáng kiến có sự tham gia của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đại học Harvard, và Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP). Vai trò của USIP trong sáng kiến này bao gồm đối thoại chính sách, đẩy mạnh truyền thông tới công chúng Việt Nam và Hoa Kỳ để người dân và thu hút sự ủng hộ thông qua các sự kiện trực tuyến và trực tiếp, và một chuỗi loạt các cuộc phỏng vấn qua video với các gia đình người Việt và người Mỹ.
Ngày 25 tháng 10, USIP và Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam (HHTGĐLS) đồng tổ chức hội thảo “Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh ở Việt Nam” tại Hà Nội. Với khoảng hơn 10.000 thành viên trên toàn quốc, HHTGĐLS là một trong những đơn vị liên quan trực tiếp và đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội và thúc đẩy việc sử dụng xét nghiệm ADN. Theo các báo cáo do 11 thành viên từ các chi hội trên cả nước, những thách thức chính trong hoạt động của HHTGĐLS là tiếp cận thông tin, năng lực xét nghiệm ADN công nghệ cao, cơ sở dữ liệu tập trung, cũng như kinh phí phí hoạt động.
Để giải quyết những khó khăn này, HHTGĐLS đã đề nghị USIP kết nối hội với các đối tác Hoa Kỳ và các nhóm cựu chiến binh, đồng thời hỗ trợ tạo các kênh đối thoại, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các tổ chức, hội, nhóm và cá nhân quan tâm đến vấn đề này ở Hoa Kỳ và Việt Nam. HHTGĐLS sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam thu thập thông tin và sinh phẩm phục vụ cho xây dựng cơ sở dữ liệu ADN và sử dụng các công nghệ mới để phân tích ADN của hài cốt chất lượng thấp. Tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Bộ Thông tin và Truyền thông sớm thực hiện đồng bộ dữ liệu để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động giám định ADN. Công nghệ xét nghiệm ADN hiện tại của Việt Nam đã xác định được danh tính của 1.389 liệt sĩ trong 10 năm qua.
Giải quyết các thách thức về năng lực
Sáng kiến VWAI do Hoa Kỳ hỗ trợ đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ pháp y, phát triển năng lực quản lý và phân tích dữ liệu, đồng thời đào tạo nhân viên pháp y cho Việt Nam. Ngày 31 tháng 10, ICMP đã ký thỏa thuận triển khai với Trung tâm Giám định ADN của VAST, một trong ba phòng thí nghiệm được chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ phân tích ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. ICMP sẽ giới thiệu phân tích SNP (đa hình đơn nucleotide) nhằm đáp ứng với các mẫu hài cốt kém chất lượng và tạo ra các kết quả phù hợp duy nhất, so với các phân tích trước đây sử dụng dấu hiệu mtDNA (ADN ty thể) được chia sẻ bởi tất cả họ hàng của một dòng mẫu hệ.
Công nghệ mới dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2024. Trước đó, các chương trình tiếp cận cộng đồng và truyền thông rất cần thiết nhằm xây dựng hiểu biết chung và thu hút ủng hộ. Chính phủ Việt Nam coi việc xác định danh tính liệt sĩ là một “nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng” đòi hỏi nỗ lực tập thể để phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và tăng cường hợp tác quốc tế.
Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ là một trong những tổ chức xã hội có tiềm năng đóng góp vào sự thành công chung trong lĩnh vực này. Mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm lại được tất cả thi thể trong chiến tranh, Sáng kiến Tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh đặt mục tiêu đạt được những kết quả quan trọng trong khả năng có thể trong 5 năm tới. Viện Hòa bình Hoa Kỳ vinh dự được tham gia cùng với các đối tác Việt Nam và quốc tế trong sáng kiến này - sáng kiến có tầm quan trọng trực tiếp đối với các gia đình của những người mất tích và có ý nghĩa rộng lớn hơn đối tiến trình sự hòa giải Mỹ-Việt./.